Dân chủ là mục tiêu, động lực và là bản chất của chế độ xã hội chủ nghĩa.
Từ khi Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời sau thắng lợi của Cách mạng
Tháng Tám năm 1945, trải qua các thời kỳ lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn quan
tâm xây dựng, thực hiện dân chủ. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá
độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) của Đảng tiếp tục khẳng
định xã hội xã hội chủ nghĩa mà Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng là một
xã hội “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Dân chủ phải được
thể hiện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực
giáo dục và đào tạo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Trong trường, cần có dân chủ. Đối với mọi
vấn đề ... cùng nhau thảo luận, ai có ý kiến gì đều thật thà phát biểu. Điều gì
chưa thông suốt thì hỏi, thì bàn cho thông suốt”. Người còn nhắc nhở: “Giáo dục
là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ dân chủ xã hội chủ nghĩa,
xây dựng quan hệ thật tốt, đoàn kết thật chặt chẽ giữa thầy và thầy, thầy và
trò, giữa học trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để
hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó”.
Trong thời kỳ đẩy mạnh thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước,
hội nhập sâu rộng và toàn diện với quốc tế hiện nay, để góp phần đổi mới và
phát triển mạnh mẽ về giáo dục và đào tạo thì phát huy dân chủ trong trường học
tiếp tục là yêu cầu khách quan, bức thiết. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương
lần thứ 8 (khóa XI) của Đảng đã ra Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi
mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Nghị quyết xác định các nhiệm vụ,
giải pháp nhằm phát triển giáo dục và đào tạo thời gian tới, trong đó nêu rõ:
“Lãnh đạo nhà trường phát huy dân chủ, dựa vào đội ngũ giáo viên, viên chức và
học sinh, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương để
xây dựng nhà trường”. Nghị quyết còn khẳng định cần phải: “Thực hiện giám sát
của các chủ thể trong nhà trường và xã hội; tăng cường công tác kiểm tra,
thanh tra của cơ quan quản lý các cấp; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch”.
Như vậy, thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường, từ trường mầm
non, trường tiểu học, trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông cho
đến các trường trung cấp, cao đẳng, đại học; thực hiện dân chủ không chỉ trong
các trường công lập mà cả các trường dân lập, tư thục, là rất cần thiết, là yêu
cầu tất yếu khách quan. Thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của nhà trường là
trách nhiệm của tổ chức Đảng, của Ban Giám hiệu, của các đoàn thể và của tất cả
nhà giáo, nhân viên cùng học sinh, sinh viên. Trong đó, không thể thiếu vai trò
của tổ chức Công đoàn nhà trường.
Ở
các nhà trường, tổ chức Công đoàn được thành lập và hoạt động dưới sự lãnh đạo
của Đảng, là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của
nhà giáo, người lao động trong nhà trường; tham gia quản lý chuyên môn, tham
gia kiểm tra tất cả các lĩnh vực hoạt động của nhà trường; tuyên truyền, giáo
dục, động viên nhà giáo, người lao động phát huy quyền làm chủ, thực hiện nghĩa
vụ công dân, góp phần vào sự nghiệp giáo dục và đào tạo của đất nước. Theo quy
định của Hiến pháp, pháp luật, trong nhà trường, tổ chức Công đoàn có các nhiệm
vụ cụ thể như sau:
1.
Đóng góp ý kiến cho việc xây dựng và triển khai thực hiện các chủ trương, chính
sách, chế độ của Nhà nước và nhà trường đối với nhà giáo, người lao động về kế
hoạch phát triển, quy mô đào tạo, công tác tuyển sinh, giảng dạy, nghiên cứu
khoa học; việc xây dựng và thực hiện quy chế chi tiêu nội bộ của trường.
2.
Phối hợp với Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể khác để tuyên truyền, giáo
dục, động viên nhà giáo, nhân viên trong toàn trường phát huy quyền làm chủ
trong nhà trường; thực hiện nghĩa vụ công dân, đóng góp cho việc xây dựng và
phát triển của nhà trường.
3.
Kiểm tra, giám sát việc thi hành các chế độ, chính sách, pháp luật, bảo đảm
việc thực hiện quyền lợi của đoàn viên công đoàn; đấu tranh ngăn chặn tiêu cực,
tham nhũng và các tệ nạn xã hội; phát hiện và tham gia giải quyết khiếu nại, tố
cáo và thực hiện các quyền của đoàn viên công đoàn theo quy định của pháp luật.
4.
Phối hợp với Ban Giám hiệu, các tổ chức đoàn thể khác tổ chức thực hiện Quy chế
dân chủ trong hoạt động của nhà trường, tổ chức hội nghị viên chức và công đoàn
năm học; cử đại diện tham gia các hội đồng xét và giải quyết các quyền lợi của
đoàn viên; phối hợp với lãnh đạo nhà trường cải thiện điều kiện làm việc, chăm
lo đời sống của đoàn viên, người lao động. Điều này cũng đã được quy định rõ
trong Thông tư 11/2020/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về
Trách nhiệm của Hiệu trưởng: “Phối hợp với Công đoàn tổ chức hội nghị nhà giáo,
cán bộ quản lý giáo dục, người lao động của cơ sở giáo dục mỗi năm một lần vào
đầu năm học theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 04/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng
01 năm 2015 của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan hành
chính nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập và các quy định khác có liên
quan”.
5.
Tổ chức vận động nhà giáo, người lao động tham gia các phong trào thi đua yêu
nước; thực hiện nghĩa vụ của nhà giáo, người lao động; tham gia quản lý nhà
trường, cải tiến lề lối làm việc và thủ tục hành chính nhằm nâng cao chất
lượng, hiệu quả công tác.
Để tổ chức Công đoàn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình đối với
việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường, thì:
Một là: Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường phải nắm rõ chức
năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Công đoàn trong
nhà trường, đồng thời tuyên truyền, giáo dục cho các đoàn viên công đoàn hiểu
được vấn đề này. Nếu không, dễ dẫn đến tình trạng hoặc là Ban Chấp hành Công
đoàn nhà trường lấn sân, can thiệp quá chức năng, quyền hạn của mình đối với
công việc của Ban Giám hiệu, hoặc ngược lại, không dám tích cực, chủ động hoạt
động, mất tính độc lập, tự chủ của tổ chức Công đoàn trong nhà trường. Mặt
khác, khi các đoàn viên công đoàn không hiểu về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và nguyên tắc hoạt động của tổ chức Công đoàn trong nhà trường sẽ thiếu tin
tưởng vào Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường, không nỗ lực, không phát huy tốt
quyền làm chủ của mình. Điều đó cũng có nghĩa dân chủ trong nhà trường không
được phát huy tốt.
Hai là: Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cần phối hợp chặt chẽ
với Ban Giám hiệu, các đơn vị, đoàn thể khác trong nhà trường tổ chức cho toàn
thể công đoàn viên và học sinh, sinh viên tìm hiểu, nắm bắt đúng những quan
điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về Quy chế dân chủ ở cơ sở, Quy chế thực
hiện dân chủ trong hoạt động của nhà trường, Luật Công đoàn, Điều lệ Công đoàn
Việt Nam, Luật Giáo dục, Điều lệ trường cũng như các chế độ, quyền lợi, nghĩa
vụ liên quan đến người lao động, người học. Chỉ khi hiểu đúng, mọi người mới tự
giác thực hiện quyền làm chủ của mình và thực hiện có hiệu quả. Những nội dung
này có thể lồng ghép phổ biến trong sinh hoạt định kỳ hàng tháng của tổ Công
đoàn ở từng đơn vị chức năng trong nhà trường hay tổ chức sinh hoạt theo chuyên
đề. Cũng có thể xây dựng, cập nhật những nội dung này ở chuyên mục phổ biến văn
bản pháp luật tại webside của Trường. Trong điều kiện máy vi tính, mạng
internet, wifi và điện thoại thông minh kết nối internet phổ biến như hiện nay
thì đây là một kênh thông tin rất hữu ích giúp mọi người thuận tiện tìm hiểu và
thực hiện.
Ba là: Ban Chấp hành Công
đoàn nhà trường cần thường xuyên phối hợp với Ban Giám hiệu trong việc tổ chức
thực hiện nghiêm túc Quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường, về những
việc phải công khai cho viên chức, người lao động, người học biết theo quy định
bằng nhiều hình thức phù hợp.
Bốn là: Cần nâng cao chất lượng sinh hoạt của tổ chức Công đoàn trong
nhà trường. Các đoàn viên phải được thực sự dân chủ bàn bạc, chứ không phải
theo kiểu làm hình thức, chiếu lệ, nhằm tìm ra biện pháp thiết thực, hữu hiệu
để thực hiện tốt các nhiệm vụ chung của tổ chức Công đoàn cũng như của nhà
trường. Những phong trào, nhiệm vụ hoạt động nào trong nhà trường đã được dân
chủ bàn bạc, thống nhất, thì phải nghiêm túc triển khai thực hiện thật tốt,
hiệu quả. Như vậy sẽ tạo được niềm tin, sự phấn khởi cho tất cả các đoàn viên
công đoàn.
Năm là: Định kỳ, Ban Chấp hành Công đoàn nhà trường cần có kế
hoạch cụ thể, đề nghị và phối hợp với tổ chức Công đoàn cấp trên tổ chức tốt
những lớp bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ công tác Công đoàn cho các cán bộ
làm công tác Công đoàn của nhà trường. Bởi vì tổ chức Công đoàn trong nhà
trường có những cán bộ nhiều năm làm công tác Công đoàn, có nhiều kinh nghiệm
quý; nhưng do nhiều nguyên nhân, hàng năm vẫn thường xuyên có thêm những cán bộ
mới tham gia làm công tác Công đoàn. Mặt khác, mỗi đơn vị thường có những cách
tổ chức hoạt động Công đoàn hay, bổ ích, mang lại hiệu quả cao; nhưng bên cạnh
đó cũng có những hạn chế, hiệu quả hoạt động Công đoàn chưa cao. Cho nên, tổ
chức những lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác Công đoàn
là rất cần thiết.