Sáng ngày 27/10/2023, tại trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dạy học tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) năm học 2022-2023 và định hướng công tác dạy học tiếng Việt cho LHS năm học 2023-2024.
Sáng ngày 27/10/2023, tại trường Cao đẳng Sư phạm Thừa Thiên Huế, Khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác dạy học tiếng Việt cho lưu học sinh (LHS) năm học 2022-2023 và định hướng công tác dạy học tiếng Việt cho LHS năm học 2023-2024. Tham dự Hội nghị gồm đại diện lãnh đạo các Khoa, Phòng liên quan, cán bộ giảng viên khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ, giảng viên tham gia giảng dạy tiếng Việt cho LHS K46 và một số giảng viên quan tâm.
Trong báo cáo tổng kết công tác dạy học tiếng Việt cho LHS năm học 2022 – 2023, thầy Trần Danh Sơn – Phó trưởng khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ, nhấn mạnh những thuận lợi và khó khăn trong quá trình dạy học tiếng Việt, nhìn nhận lại công tác dạy học, quản lý dạy học và công tác kiểm tra đánh giá cho K46 LHS. Nhìn chung, tổ Văn – tiếng Việt, khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ đã làm tốt công tác kế hoạch cũng như triển khai tốt các hoạt động dạy học chính khóa cũng như các hoạt động trải nghiệm thực tế; tích cực kiểm tra, động viên nhắc nhở các giảng viên hoàn thành tốt công việc được phân công; chủ động, linh hoạt trong việc phân công chuyên môn, bố trí giảng viên phụ trách tại các lớp; quản lý dạy học chặt chẽ, nề nếp dạy và học. Các giảng viên tham gia giảng dạy đều tích cực, nhiệt tình trong dạy học, tuân thủ các quy định về chuyên môn, chủ động trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp để từng bước hoàn thiện kỹ năng nghiệp vụ và phương pháp dạy học tiếng Việt cho người nước ngoài.
Mặc dù còn tồn tại một số khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm của lãnh đạo Nhà trường, sự phối hợp tốt giữa khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ và các phòng chức năng, sự tận tâm của giảng viên nên chất lượng dạy học được đảm bảo, năng lực tiếng Việt của LHS tiến bộ sau từng bậc học. Từ chỗ chưa biết tiếng Việt, đến nay LHS đã nghe hiểu, giao tiếp tốt, kết quả có 65 LHS đạt và được cấp chứng chỉ Năng lực tiếng Việt (bậc 3: 7 sinh viên, bậc 4: 35 sinh viên, bậc 5: 24 sinh viên, bậc 6: 2 sinh viên ), trong đó có 3 LHS được nhà trường khen thưởng vì đã có thành tích cao trong hội thi Hùng biện tiếng Việt cấp trường và được cử đi tham gia thi sơ khảo khu vực miền Trung tại Đà Nẵng.
Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, quan tâm đến công tác đào tạo và giảng dạy LHS trên nhiều phương diện như: công tác tuyển sinh, phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu, cố vấn học tập, phương pháp dạy học, giáo trình dạy học, cơ sở vật chất, công tác phối kết hợp trong giáo dục và rèn luyện, ý thức nề nếp,... Đại diện các phòng ban như cô Quách Thị Hà (Trưởng phòng Tổ chức – Hành chính – Hợp tác quốc tế), thầy Ngô Đức Hảo (Phó trưởng phòng Đào tạo – Công tác sinh viên), thầy Nguyễn Thanh Tùng (Phó trưởng phòng Khảo thí – Đảm bảo chất lượng –Quản lý khoa học) đã giải đáp thắc mắc, nêu một số tồn tại liên quan đến vấn đề giảng dạy LHS và đề xuất giải pháp để nâng cao công tác dạy học LHS. Cô Quách Thị Hà lưu ý, nhà trường và giảng viên một mặt gần gũi và hỗ trợ LHS, mặt khác cũng cần đề cao tính kỷ luật đối với LHS, đồng thời nhấn mạnh, nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để giúp đỡ và hỗ trợ cho LHS.
Hội nghị cũng là dịp để các giảng viên giảng dạy tiếng Việt cho LHS lắng nghe những đề xuất, chia sẻ các nội dung và hoạt động có liên quan đến công tác bồi dưỡng tiếng Việt cho LHS. Nhà trường và các giảng viên đều bày tỏ sự quan tâm đến quá trình học tập, cuộc sống và sinh hoạt của các em LHS. Sau quá trình thảo luận sôi nổi, nhiều ý kiến có giá trị được lưu ý để tiến hành thực hiện trong thời gian tới. Thầy Hoàng Ngọc Sơn – Trưởng khoa Bồi dưỡng nghiệp vụ tổng kết Hội nghị, thay mặt lãnh đạo khoa và giảng viên thể hiện quyết tâm thực hiện tốt công tác dạy học tiếng Việt cho LHS năm học 2023-2024.