Diễn ra từ ngày 22/11 đến ngày 24/11/2024, Hội thảo Khoa học Quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh Châu Á với chủ đề “Xã hội và văn hóa ở Châu Á trong thời kỳ công nghệ số” đã thu hút sự tham gia của hơn 150 nhà khoa học có uy tín trong nước và trên thế giới.
Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh cả thế giới bước vào thời kỳ số hoá và đáp ứng chủ trương của Đảng, chính phủ về “lấy khoa học công nghệ làm trọng tâm đổi mới, đưa đất nước chuyển sang nền kinh tế số, kinh tế xanh”. Được chủ trì với sự hỗ trợ chuyên môn của đội ngũ chuyên gia có uy tín đến từ Hoa Kỳ, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Nhật Bản và từ Ủy ban Điều phối khoa học của UNESCO..., các công trình nghiên cứu công bố ở Hội thảo đều có chất lượng cao và sức ảnh hưởng lớn.
Trao đổi, trò chuyện của các diễn giả với đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự hội thảo
Hội thảo đã nhận hơn 160 tham luận khoa học, trong đó có 90 tham luận được chọn trình bày. Các đại biểu tập trung phân tích thảo luận về tác động của bối cảnh công nghệ số, vai trò quan trọng của công nghệ số trong ứng dụng và phát triển toàn diện xã hội, văn hoá châu Á bền vững. Đó là những tác động có ích lẫn mặt trái của cuộc cách mạng công nghệ thời đại trí tuệ nhân tạo trong bảo vệ, bảo tồn và phát huy kiến thức bản địa, văn hóa, ngôn ngữ, giáo dục, môi trường, đa dạng kinh tế, trao quyền cho phụ nữ, xây dựng chính sách, hướng dẫn toàn diện để phát triển nhằm bảo vệ lợi ích của xã hội và người dân… Đồng thời, các đại biểu phân tích, xác định những đặc trưng làm nên sức mạnh của xã hội châu Á, như cơ cấu xã hội đa văn hóa, đa ngôn ngữ… của các quốc gia.
Tại các phiên Hội thảo
Ngoài các chủ đề mang tính thời sự, thực tiễn đến từ 03 diễn giả đến từ các trường Đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam,... trong khuôn khổ chương trình hội thảo còn có các sự kiện khoa học như: Buổi trao đổi về “Nghiên cứu khoa học trong bối cảnh công nghệ số”, của PGS.TS. Đỗ Lai Thuý, đến từ Viện Nhân học Văn hoá, Hà Nội với Đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo, buổi trao đổi và thoả thuận,…
Song song đó, tại chương trình đã diễn ra lễ ký kết biên bản ghi nhớ giữa Viện Nhân học Văn hóa (Việt Nam) với Viện Văn hóa và Nghệ thuật Đông Bắc, Thái Lan và Trung tâm Nghiên cứu Ngôn ngữ và Văn hóa Indonesia, Đại học Quốc gia Malang, Indonesia nhằm thúc đẩy và phát triển hợp tác học thuật giữa các đơn vị với các hoạt động đa dạng như: Thực hiện các chương trình liên kết; Trao đổi sinh viên, giảng viên, tài liệu giảng dạy; Thực hiện các hoạt động nghiên cứu chung trong các lĩnh vực cùng quan tâm; Đồng hành và tài trợ các hoạt động, chương trình học thuật liên quan...
TS. Hoàng Bảo Hùng, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Huế, đồng Trưởng ban tổ chức Hội thảo LSCAC 2024 phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp tác
Tại buổi ký kết hợp tác trong khuôn khổ Hội thảo LSCAC 2024
Bên cạnh các phiên họp tại Hội thảo, các đại biểu còn có cơ hội trải nghiệm văn hoá Huế, một vùng đất có truyền thống lâu đời với hàng trăm di tích tăng tẩm, chùa chiền, các công trình kiến trúc đặc biệt thời nhà Nguyễn nhưng không kém phần hiện đại và vươn mình bắt nhịp với cả nước và thế giới. Huế còn là kinh đô áo dài, kinh đô ẩm thực của Việt Nam, một điểm đến với 8 di sản được UNESCO công nhận, là điểm đến của những trải nghiệm, khám phá thú vị cho các đại biểu về tham dự Hội thảo.
Các đại biểu dự Hội thảo tham quan, trải nghiệm các di tích Cố đô Huế
Qua bảy lần tổ chức, Hội thảo LSCAC đã trở thành một diễn đàn quốc tế cấp cao dành cho các nhà nghiên cứu, giảng dạy và quản lý khoa học, giáo dục, gặp gỡ, trao đổi học thuật, giới thiệu các công trình nghiên cứu khoa học hữu ích, những ý tưởng độc khoa học và các ứng dụng nổi bật trong lĩnh vực công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, kinh tế, chính trị, xã hội, giáo dục, du lịch, v.v...