Tin tức - sự kiện

22/11/2024 5:10:11 CH
Xem cỡ chữ:
Khai mạc Hội thảo Khoa học Quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh Châu Á
Sáng ngày 22/11, Trường Cao Đẳng Huế phối hợp với Trường Đại học Quốc gia Malang (Indonesia), Đại học Hyderabad (Ấn Độ), Đại học Mahasarakham (Thái Lan), Viện Nhân học Văn hoá (Hà Nội) và Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật Đông Bắc (Thái Lan) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế LSCAC 2024 - Ngôn ngữ, Xã hội, Văn hóa trong bối cảnh Châu Á với chủ đề “Xã hội và văn hóa ở Châu Á trong thời kỳ công nghệ số.”

Tham dự Hội thảo, về phía Lãnh đạo tỉnh có Ông Phan Thiên Định – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Huế; về phía đại biểu các cấp có Lãnh đạo Viện Nhân học Văn hoá, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Mahasarakham, Thái Lan Đại học Quốc gia Malang Indonesia, Đại học Hyderabad, Ấn Độ, Đại học Lindenwood, USA, Đại học Takushoku, Tokyo, Japan, lãnh đạo các cơ quan và ban ngành tại địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt có sự tham gia của nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới và khu vực quan tâm đến lĩnh vực này.

Phát biểu tại lễ khai mạc, ông Phan Thiên Định – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Huế ghi nhận những nỗ lực, chủ động và tích cực của Trường Cao đẳng Huế trong việc phối hợp tổ chức Hội thảo, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều học giả và nhà nghiên cứu cả trong nước và quốc tế. “Trong khuôn khổ các hoạt động của hội thảo, các chuyên gia cũng như các đại biểu tham dự sẽ phân tích, kiến giải, đưa ra những giải pháp mang tính chiến lược để những nhà quản lý dựa trên cơ sở đó có được những tham vấn quý báu và cụ thể hóa vào thực tiễn. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế song song với giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp mang tính bản địa, đó là ngôn ngữ, xã hội và văn hóa trong bức tranh chung về một châu Á hội nhập và phát triển.”, ông Phan Thiên Định nhấn mạnh.

Ông Phan Thiên Định – Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Huế, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Huế phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo diễn ra từ ngày 22/11-24/11, tập trung vào các vấn đề chính: Giáo dục và công nghệ số, dạy/học ngoại ngữ, giáo dục đa văn hóa ở Châu Á, Vai trò của công nghệ số trong việc bảo vệ ngôn ngữ, Văn học Châu Á hiện đại và vấn đề bản sắc văn hóa, Cấu trúc xã hội các quốc gia châu Á, Các xu hướng triết học hiện đại, Du lịch ở Châu Á, Môi trường và Dân số ở Châu Á, Kinh tế Châu Á trong bối cảnh công nghệ số, Bảo tồn di sản văn hóa, Dịch thuật, Trao quyền cho phụ nữ thông qua hiểu biết về công nghệ số, Quản trị thông qua công nghệ số và sự tham gia của người dân để phát triển bền vững, Lịch sử Đông Nam Á, Văn hóa công nghệ số ở Châu Á.

Ngay trong buổi khai mạc, các đại biểu tham dự hội thảo đã được nghe các diễn giả là các giáo sư đến từ các trường Đại học danh tiếng của Hoa Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam,... trình bày các chủ đề thời sự, khoa học, thực tiễn như: “Đa ngôn ngữ và trí tuệ nhân tạo AI cho sự phát triển bền vững lâu dài ở Châu Á”, GS Prabhakar Rao Jandhyala, ĐH Hyderabad; “Các nguồn tài nguyên số hỗ trợ việc học tiếng Anh qua những giai đoạn từ: Cổ, Trung đến Hiện đại” Ted Morrissey, Lindenwood University, Hoa Kỳ; “Thực tiễn giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, nhìn từ góc độ chính sách và thực tiễn triển khai”, PGS TS. Phạm Thị Hồng Nhung, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại Ngữ Huế.

Trong khuôn khổ chương trình hội thảo còn có các sự kiện khoa học như: Buổi trao đổi về “Nghiên cứu khoa học trong bối cảnh công nghệ số”, của PGS.TS. Đỗ Lai Thuý, đến từ Viện Nhân học Văn hoá, Hà Nội với Đại biểu, giảng viên, sinh viên tham dự Hội thảo, buổi trao đổi và thoả thuận, ký kết hợp tác khoa học song phương và đa phương giữa Trường và Viện Nghiên cứu tại Việt Nam với thế giới, v.v...

Bên cạnh các phiên họp tại Hội thảo, các đại biểu còn có cơ hội trải nghiệm văn hoá Huế, một vùng đất có truyền thống lâu đời với hàng trăm di tích tăng tẩm, chùa chiền, các công trình kiến trúc đặc biệt thời nhà Nguyễn nhưng không kém phần hiện đại và vươn mình bắt nhịp với cả nước và thế giới.

Hội thảo LSCAC 2024 là dịp gắn kết mối quan hệ hợp tác giữa cán bộ giảng viên và các nhà khoa học của các trường, Viện, và các tổ chức nghiên cứu trong nước và quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của khoa học, là nơi trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu, ký kết hợp tác khoa học như trao đổi giảng viên, sinh viên, công bố các nghiên cứu khoa học trên diễn đàn quốc tế, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa các cơ sở giáo dục trong khu vực và trên thế giới.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại Hội thảo LSCAC 2024

 

Một số hình ảnh tại Hội thảo LSCAC 2024:

Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Truyền thông
Cao đẳng Huế