Sinh viên

27/11/2024 10:18:13 SA
Xem cỡ chữ:
Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Huế với việc nâng cao ý thức làm chủ và bảo vệ không gian mạng

Những năm gần đây, cùng với những lợi ích to lớn không thể phủ nhận thì các đe dọa từ không gian mạng (KGM) đã trở thành mối quan tâm hàng đầu của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. KGM mang lại tác động tích cực nhưng đồng thời cũng có thể gây nguy hại cho cơ quan, tổ chức, trường học, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương, gia đình và cá nhân. KGM đã và đang thu hút đông đảo học sinh, sinh viên (HSSV) tham gia. HSSV có thêm nhiều thông tin bổ ích, học được nhiều kiến thức, kinh nghiệm sống, nghiên cứu khoa học, tìm kiếm thông tin, việc làm, giải trí…qua KGM. Tuy nhiên, một bộ phận HSSV sao nhãng việc học tập cũng như tham gia các hoạt động ngoại khóa, quỹ thời gian tự học bị giảm đi do dành quá nhiều thời gian cho các hoạt động trên KGM; những thông tin, nội dung, hình ảnh riêng tư được đăng tải lên KGM, chia sẻ với người thân, bạn bè…nhưng vô tình bị kẻ xấu lợi dụng và sử dụng vào mục đích xấu, hoặc những phần tử xấu có thể lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc, đầu độc người đọc nếu không tỉnh táo. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ, tác động tiêu cực đến cuộc sống, học tập của HSSV.

HSSV Trường Cao đẳng Huế cần nâng cao nhận thức về bảo vệ chủ quyền quốc gia, các lợi ích và sự nguy hại đến từ KGM. HSSV nhà trường cần nhận thức rõ các nguy cơ đến từ KGM như: Tấn công mạng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, tội phạm mạng, nguy cơ chiến tranh mạng…đang là thách thức gay gắt về an ninh và bảo đảm an ninh mạng đang trở thành trọng tâm ưu tiên của quốc gia. Hiện nay, hoạt động tấn công KGM rất đa dạng và tinh vi như làm mất kết nối internet, đánh sập các website của Chính phủ, cơ quan, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp; giả mạo các website nhằm lừa đảo; đánh cắp dữ liệu cá nhân...Các thế lực thù địch có thể thông qua block cá nhân lôi kéo thế hệ trẻ (trong đó có HSSV), kích động các phần tử bất mãn, tập hợp lực lượng, thành lập các tổ chức chống đối như Việt Tân, Chính phủ quốc gia Việt Nam lâm thời, Thanh Niên Dân Chủ,...núp dưới vỏ bọc các tổ chức “xã hội dân chủ”, “diễn đàn dân chủ” để xuyên tạc cương lĩnh, đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Đảng ta. Các thế lực thù địch còn lợi dụng báo điện tử, các website, dịch vụ thư điện tử, mạng xã hội facebook, zalo, twitter, diễn đàn... để phát tán các tài liệu, kêu gọi tuần hành, biểu tình, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống phá chính quyền, chia rẽ mối đoàn kết giữa Đảng và nhân dân ta; hoặc sử dụng “khoảng trống thông tin” để tấn công vào sự hiếu kỳ của công chúng; làm mới thông tin cũ, bịa đặt thông tin mới để chống phá. Thông qua mạng xã hội, chúng kêu gọi Việt Nam cần phải phát triển xã hội dân sự theo tiêu chí của các nước phương Tây, cần phải thừa nhận vai trò của các tổ chức “xã hội dân sự” như Hội Nhà báo độc lập, Hội Anh em dân chủ,... Chúng cho rằng, Nhà nước Việt Nam cần tạo điều kiện cho các tổ chức này hoạt động công khai, hợp pháp; đồng thời, xuyên tạc, phê phán Việt Nam thu hẹp không gian “xã hội dân sự”, không cho “xã hội dân sự” phát triển. Lợi dụng mạng xã hội đang phát triển như vũ bão, các thế lực thù địch, phản động đang ra sức tuyên truyền, lôi kéo nhiều người, trong đó có HSSV gia nhập vào các hội, nhóm “xã hội dân sự”. Chúng rêu rao rằng, “xã hội dân sự” là tốt đẹp, giúp mọi người đòi quyền lợi và mang lại nhiều lợi ích cho người tham gia. Chúng cố tình tuyệt đối hóa tính “độc lập” tương đối của “xã hội dân sự” với Nhà nước, đề cao, tuyệt đối hóa “xã hội dân sự”, mô tả nó như là mô hình xã hội dân chủ, nhân đạo, là hiện thân của tự do và Nhà nước phải giảm sự can thiệp vào “xã hội dân sự”. Các trang mạng có nhiều nội dung thông tin xấu, độc như Dân Làm Báo, Quan Làm Báo, Boxit, Dân Luận, Chân Dung Quyền Lực.

HSSV nhà trường cần nắm vững các quan điểm của Đảng về phát triển khoa học công nghệ và chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các định hướng hành động của Việt Nam trong bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia trên KGM; hiểu biết các quy định của pháp luật về quản lý KGM như: Các điều khoản của Bộ luật Hình sự 2015 (Mục 2, Điều 285-294) liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 của Chính phủ và Thông tư số 09/2014/BTTTT ngày 19/8/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội, những hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng mạng xã hội; những nội dung cơ bản của Luật An ninh mạng năm 2018.

Học sinh, sinh viên Trường Cao đẳng Huế tham dự Hội thi Hiểu biết pháp luật lần thứ X-năm 2024

HSSV Trường Cao đẳng Huế phải nâng cao ý thức trách nhiệm về phòng tránh, tự vệ và sử dụng biện pháp kỹ thuật để khắc phục hậu quả trong trường hợp bị tấn công trên KGM. Nêu cao ý thức chính trị, trách nhiệm, nghĩa vụ công dân đối với nhiệm vụ bảo vệ KGM quốc gia. Tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ an ninh mạng; kịp thời cung cấp thông tin liên quan đến an ninh mạng, nguy cơ đe dọa an ninh mạng và các hành vi xâm phạm khác, thực hiện yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; giúp đỡ, tạo điều kiện cho người có trách nhiệm tiến hành các biện pháp bảo vệ an ninh mạng. HSSV nhà trường khi tham gia KGM cần tạo được cho mình “sức đề kháng” – tự nâng cao nhận thức, cân nhắc khi tiếp nhận thông tin, thận trọng trước khi phát ngôn, bình luận, chia sẻ trên KGM; mỗi HSSV cần xác định trách nhiệm, sự tự giác trong đăng tải, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, thực hiện đấu tranh với thông tin xấu độc. 

Lê Kế Quân - Phòng Công tác chính trị-HSSV